Người nuôi lợn vẫn “Thở Oxy ” sau 2 tháng “chung tay” giải cứu

Loading...

Thời gian vừa qua tin tức về thịt lợn hơi mất giá, hàng nghìn con lợn được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thu mua trợ gía, nhiều bộ ngành đã vào cuộc, thậm chí còn có nguồn tin nói rằng hàng triệu con lợn sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc… Nhưng sau gần tròn 2 tháng triển khai chung tay ” giải cứu” thì người nuôi lợn vẫn chưa thoát khỏi cảnh thua lỗ

nguoi-nuoi-lon-tu-mo-lon-de-tieu-thu
Người nuôi lợn tại Nghệ An tự mổ lợn đi tiêu thụ – Ảnh internet

Khắp nơi “giải cứu”

Cho đến thời điểm hiện tại, thì cuộc “giải cứu” đàn lợn cho người chăn nuôi vẫn đang diên ra ở nhiều địa phương. Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về ứng cứu người chăn nuôi lợn, Hội Nông dân TP Hà Nội đã tích cực kết nối các hộ chăn nuôi với người tiêu dùng bằng biện pháp việc mở các điểm bán thịt lợn. Theo đó, người chăn nuôi sẽ trực tiếp mổ lợn và được Hội Nông dân thành phố giới thiệu, đem bán trực tiếp cho người tiêu dùng với giá mức giá bán bình quân lợn thịt đã pha là 60.000 đồng/kg.

Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vừa rồi cũng triển khai chương trình “Hỗ trợ hộ chăn nuôi, trợ giá người tiêu dùng”. Điều đáng chú ý của hoạt động là toàn bộ thịt lợn được bán với chỉ một giá là 39.000 đồng/kg, mức giá rể chưa từng thấy nhằm giải cứu giá thịt lợn hơi vẫn đang ở mức giá chưa có lãi.

Thực tế, người chăn nuôi bán lợn cho thương lái với giá giao động từ 21.000- 24.0000 đồng/kg thịt lợn hơi, nhưng Ban tổ chức chương trình “Hỗ trợ hộ chăn nuôi, trợ giá người tiêu dùng” đã tiến hành thu mua thịt lợn hơi cho người nông dân với mức giá thấp nhất từ 26.000-30.000 đồng/kg. Đồng thời thịt lợn đã pha được bán tới tay người tiêu dùng đồng giá 39.000 đồng/ kg. Hơn nữa nếu mua 1/4 con lợn thì người mua sẽ được ưu đãi mức giá chỉ 37.000 đồng/kg. Theo Ban tổ chức chương trình “Hỗ trợ hộ chăn nuôi, trợ giá người tiêu dùng”, thịt lợn được cung ứng từ các trang trại có quy trình sản xuất khép kín, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm tại một số trang trại thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Hoạt động của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cũng được triển khai tại tỉnh Cần Thơ. Theo đó, Hội đã phối hợp với Công ty TNHH DSF và Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh Cần Thơ để hỗ trợ người chăn nuôi lợn tiêu thụ sản phẩm đang tồn đọng với mức giá phù hợp, nhằm khuyến khích tiếp tục tái đàn. Tại đây, thịt lợn được bán với giá từ 35.000 – 42.000 đồng/kg tùy loại. Nếu mua từ 3 – 10 kg thì giá bán là 39.000 đồng; từ 10 kg giá sẽ 37.000 đồng và nếu mua 20 kg trở lên mức giá chỉ còn lại 35.000 đồng.

Phong trào “giải cứu” lợn cho người chăn nuôi còn được nhiều người hưởng ứng bằng nhiều cách khác nhau. Ở huyện Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An), nhiều gia đình tổ chức mua nguyên con lợn giết mổ chia thịt, chế biến các món ăn hoặc để làm thực phẩm dự trữ ăn dần. Nhiều tổ chức, cơ quan, đoàn thể cũng đã vào cuộc để “giải cứu” đàn lợn cho người chăn nuôi bằng cách tăng cường mua thịt. Thế nhưng, tất cả những hoạt động đó chỉ là giải pháp tạm thời, không cứu được sự thua lỗ nặng nề của ngành chăn nuôi.

“Số lượng không đáng bao nhiêu”

nguoi-nuoi-lon-tu-mo-lon-de-tieu-thu-1
Mặc dù được “giải cứu” nhưng số lượng cũng không đáng bao nhiêu – Ảnh internet

Thời gian cuối tháng 4, đầu tháng 5/2017, trong khi các chủ trại bị các thương lái ép giá với mức chỉ có từ 18-19.000 đ/ kg, thì việc trợ giúp bán lợn hơi với giá 25.000 đồng/ kg khiến cho người chăn nuôi lợn tưởng như trút được gánh nặng. Tuy nhiên, những chương trình trên chỉ như “muối bỏ biển”, và rồi sau 2 tháng được “giải cứu” giá thịt lợn hơi vẫn thấp và người dân nuôi lợn vẫn lỗ lớn.

Theo thông tin mới nhất từ Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) thì với nguồn cung quá lớn, sức tiêu thụ lại chậm khiến cho giá lợn hơi ở nhiều địa phương không những không đẩy cao lên được mà còn sụt giảm. Tại nhiều huyện của tỉnh Nam Định, giá lợn hơi giảm khoảng 2.000 đồng/kg, từ 25.000 đồng/kg xuống mức 23.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Trà Vinh, giá lợn hơi cũng giảm 1.000 đồng/kg, còn 22.000 đồng/kg…

Tại Đồng Nai, tình hình cũng không sáng sủa hơn, ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh này cho hay: “Giải cứu” lợn chỉ mới dừng lại ở việc tiêu thụ. Hồi đầu, khi người nông dân đang bị “sốc” vì hàng nghìn con lợn đến kỳ xuất chuồng rồi mà bị “đóng băng”, bị thương lái ép giá ở mức 18.000 – 19.000 đồng/kg, nên khi được “giải cứu” với mức giá 25.000 đồng/kg, người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, số lượng lợn được giải cứu không nhiều. Nhiều hộ có quy mô lớn tới hàng nghìn con lợn, nhưng cũng chỉ đăng ký bán được cho các tổ chức mua hỗ trợ một vài trăm con. Chính vì vậy, “giải cứu” lợn mới dừng lại ở việc tác động để các thương lái không có lý do ép giá để hưởng lợi, chứ thực ra số lượng được giải cứu không đáng là bao nhiêu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, khoảng 70% chủ trại chăn nuôi quy mô đàn dưới 50 lợn nái và 500 lợn thịt đã phá sản, 30% còn lại vẫn đang phải “thở ôxy”.

Ngay từ đầu năm nay, Bộ NN&PTNT đã cảnh báo các địa phương không tăng quy mô đàn lợn, thay đổi cơ cấu giống, phương thức chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng và kiểm soát tốt thị trường. Tuy nhiên, việc người dân ồ ạt đầu tư xây chuồng trại tăng đàn lợn vẫn đang diễn ra. Hệ quả tất yếu của hành động này là thừa lợn thịt. Không chỉ khủng hoảng giá lợn lần này mà quá khứ đã có nhiều loại nông sản đột ngột rớt giá. Sau mỗi cuộc giải cứu những sản phẩm nông nghiệp, nhược điểm chung của ngành này là việc phát triển “quá nóng” tạo nên sự mất cân đối giữa cung cầu. Hệ lụy tất yêu của việc này là người nông dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn.